Tuesday, March 6, 2012

BẢO LÃNH THÂN NHÂN - MẪU ĐƠN I-130 - DO NGUYỄN SOẠN THẢO




Bảo Lãnh Thân Nhân – Mẫu Đơn I-130

Khi quý vị muốn bảo lãnh cho thân nhân của mình theo diện bảo lãnh cha mẹ, con, vợ chồng, và anh chị em thì quý vị sẽ cần điền vào mẫu đơn I-130 và kèm theo lệ phí gởi cho Sở Di Trú.

Thông thường mẫu đơn I-130 là một mẫu đơn thông dụng nhất dùng để làm đơn bảo lãnh cho thân nhân. Và diện bảo lãnh thân nhân gồm sẽ phân làm 2 loại.

Loại thứ nhất là Immediate Relative: thuộc diện bảo lãnh cho vợ, chồng, con, cha hoặc mẹ của công dân Hoa Kỳ, và diện này là diện bảo lãnh thân nhân mau nhất so với những diện bảo lãnh thân nhân khác.

Loại thứ hai là Family Based Preference: được chia ra làm 5 Preferences (tức là 5 ưu tiên).

- Ưu tiên 1 được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

- Ưu tiên 2A được dành cho vợ, chồng, hoặc con cái dưới 21 tuổi của thường trú nhân.

- Ưu tiên 2B được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của thường trú nhân.

- Ưu tiên 3 được dành cho những người con đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

- Ưu tiên 4 được dành cho anh, chị hoặc em của công dân Hoa Kỳ.

Bảo lãnh thân nhân được chia ra làm hai phần như sau:

Phần thứ nhất là nộp đơn I-130 cùng với những dự kiện cần thiết đến Sở Di Trú. Sở Di Trú chỉ xem xét hồ sơ có hội đủ dự kiện chứng minh sự liên hệ gia đình để được bảo lãnh hay không. Ðơn I-130 được chấp thuận không có nghĩa là “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng” được cấp chiếu khán. Ðơn I-130 được chấp thuận có nghĩa là những dự kiện nộp vào chứng minh rằng “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng” là thân nhân được định nghĩa dưới những điều luật di trú và họ có thể làm đơn xin chiếu khán di dân.

Phần thứ hai là sau khi đơn I-130 được chấp thuận, hồ sơ được chuyển qua cho Lãnh Sự Hoa Kỳ để giải quyết cấp chiếu khán. Sự việc của Lãnh Sự Hoa Kỳ là xem xét sự liên hệ gia đình có thật sự như đã trình bày theo giấy tờ và “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng”có lọt vào một trong những điều luật cấm nhập cảnh hay không. Nếu bị lọt vào một trong những điều luật cấm nhập cảnh, hồ sơ xin chiếu khán sẽ bị từ chối ngoại trừ hội đủ điều kiện miễn trừ.

Nếu nộp đơn I-130 để bảo lãnh cha mẹ, con, hay anh chị em thì quý vị sẽ nộp thêm mẫu đơn G-1145 (E-Notification of Application/Petition Acceptance hay còn gọi là E-Thông báo chấp nhận hồ sơ / Thỉnh Nguyện Thư)

Nếu nộp đơn I-130 theo diện bão lãnh vợ chồng thì quý vị sẽ nộp thêm mẫu đơn G-1145 (E-Notification of Application/Petition Acceptance hay còn gọi là E-Thông báo chấp nhận hồ sơ / Thỉnh Nguyện Thư) và mẫu đơn G-235a (Biographic Information hay gọi là thông tin lý lịch cá nhân).

Kèm theo 2 tấm hình cho “người bảo lãnh” và 2 tấm hình cho “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng”

Lưu ý: Hình chụp quy định theo dạng như hình passport size 2 x 2.

Khi nộp đơn I-130 vào Sở Di Trú, đơn I-130 phải được kèm theo những dự kiện để chứng minh sự liên hệ gia đình. Những giấy tờ cần thiết thứ nhất là khai sanh của “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng”.

Dù rằng khai sanh không cần thiết để chứng minh sự liên hệ gia đình. Sở Di Trú muốn khai sanh của “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng” để Sở Di Trú biết rõ thân thế của “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng”. Ðiển hình là bảo lãnh theo diện phối ngẫu, khai sanh của người thừa hưởng không cần thiết để chứng minh sự liên hệ vợ chồng của hai người, nhưng khai sanh của “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng” phải được nộp chung với đơn I-130 vì Sở Di Trú muốn biết thân thế của “người được bảo lãnh” và “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng”.

Giấy tờ cần thiết thứ nhì là bằng quốc tịch Hoa Kỳ, hộ chiếu Hoa Kỳ hoặc thẻ xanh của “người bảo lãnh”. Những giấy tờ đó dùng để chứng minh “người bảo lãnh” là công dân Hoa Kỳ hoặc thường trú nhân. Vì chỉ có công dân Hoa Kỳ hoặc thường trú nhân mới được bảo lãnh cho thân nhân.

Giấy tờ cần thiết thứ ba là khai sanh và hôn thú. Vấn đề này hơi phức tạp vì luật di trú có phân tích vấn đề liên hệ cha con mà không phân tích vấn đề liên hệ mẹ con.

Trong trường hợp bảo lãnh cho anh chị em cùng mẹ (hoặc cùng cha và mẹ) thì phải có khai sanh của “người bảo lãnh” và “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng” Khai sanh của hai người sẽ được dùng để chứng minh rằng hai người có cùng một người mẹ. Trong trường hợp cùng mẹ khác cha, giấy tờ chứng minh sự liên hệ gia đình cũng chỉ cần khai sanh của “người bảo lãnh” và “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng”.

Ví dụ về trường hợp Con bảo lãnh cho Mẹ thì phải có bằng quốc tịch của người Con, khai sanh của người Con và khai sanh của người Mẹ. Trong trường hợp này, bằng quốc tịch của người Con phải được nộp với đơn I-130 vì chỉ có Con là công dân Hoa Kỳ mới có quyền bảo lãnh cho Cha Mẹ. Khai sanh của người Con được dùng để chứng minh sự liên hệ Mẹ Con và khai sanh của người Mẹ được dùng để chứng minh thân thế của “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng”.

Vì dụ về trường hợp Mẹ bảo lãnh cho Con (độc thân hay có gia đình). Nộp theo đơn I-130 phải có bản sao của thẻ xanh hoặc bằng quốc tịch Hoa Kỳ của người Mẹ và khai sanh của người Con.

Quí vị nên lưu ý trong trường hợp Mẹ bảo lãnh cho Con có gia đình, người Mẹ phải có bằng quốc tịch mới được bảo lãnh vì thường trú nhân không được bảo lãnh cho Con đã có gia đình. Khai sanh của người Con được dùng để chứng minh sự liên hệ gia đình và thân thế của “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng”.

Trong trường hợp Con bảo lãnh cho Cha hoặc Cha bảo lãnh cho Con thì phức tạp hơn những diện bảo lãnh thân nhân khác. Luật di trú phân tích sự liên hệ Cha Con tùy thuộc vào Con trong giá thú hay Con ngoài giá thú.

Nếu là Con trong giá thú, thì ngoài những giấy tờ nêu trên giống trong trường hợp Con bảo lãnh cho Mẹ hoặc Mẹ bảo lãnh cho Con, và cần phải có thêm hôn thú của Cha Mẹ để chứng minh lúc người con sanh ra Cha Mẹ của họ có hôn thú.

Nếu là Con ngoài giá thú, thì có hai cách để chứng minh là Con. Cách thứ nhất là Cha Con có sự quan hệ Cha Con chân thật trước khi người Con trở thành 21 tuổi. Cách thứ hai là người Con đã được hợp pháp hóa thành Con trước khi người Con trở thành 18 tuổi.

Cách thứ nhất là Cha Con có sự quan hệ Cha Con chân thật. Quan hệ đó có thể chứng minh rằng người Cha có lo lắng cho Con về mặt tài chánh và dạy dỗ. Ðiển hình là người Cha gởi tiền cho người Con hoặc thư từ qua lại trước khi người Con trở thành 21 tuổi.

Cách thứ hai là người Con đã được hợp pháp hóa thành Con. Hợp pháp hóa bằng cách người Cha và người Mẹ lập hôn thú hoặc có phán quyết của tòa. Sự hợp pháp hóa Cha Con phải được xảy ra trước khi người Con trở thành 18 tuổi.

Quí vị nên lưu ý rằng những ví dụ điển hình nêu trên chỉ là một vài điển hình chứng minh sự quan hệ Cha Con chân thật hoặc người Con đã được hợp pháp hóa. Ngoài ra còn nhiều cách khác để chứng minh một trong hai điều nêu trên. Quí vị chưa rõ về hồ sơ bảo lãnh I-130, tốt nhất quý vị nên liên lạc với luật sư chuyên về luật di trú để quí vị để tham khảo tường tận những phương cách hội đủ điều kiện để bảo lãnh cho thân nhân.

Trong trường hợp bảo lãnh diện Vợ Chồng, những giấy tờ cần thiết phải nộp chung với đơn I-130 gồm có:

- Hôn thú
- Giấy ly dị (nếu có)
- Khai sanh của “người bảo lãnh” và “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng”
- Nếu người bảo lãnh bị mất khai sinh, thì có thể sử dụng những giấy tờ chứng minh khác như giấy rửa tội, học bạ, và hộ khẩu gia đình đã có ghi đầy đủ tên tuổi và ngày tháng năm sinh.
- Giấy tờ chứng minh “người bảo lãnh” là thường trú nhân hoặc công dân Hoa Kỳ;
- Một tấm hình 2x2 của “người bảo lãnh” và “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng”
- Đơn G-1145 của “người bảo lãnh”
- Ðơn G-325A của “người bảo lãnh” và “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng”

Hôn thú được dùng để chứng minh sự liên hệ Vợ Chồng. Hôn thú phải có giá trị luật pháp theo luật của nơi “người bảo lãnh” hoặc “người thừa hưởng” ở và hôn nhân đó không trái với public policy (tức là chính sách chung) của Hoa Kỳ.

Nếu “người bảo lãnh” và “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng” trước đây đã có hôn thú với người khác, phán quyết ly dị phải được nộp chung với đơn I-130. Phán quyết ly dị được dùng để chứng minh hôn thú của hai Vợ Chồng có giá trị luật pháp. Vì nếu “người bảo lãnh” và “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng” đã có hôn thú với người khác trước đây và chưa ly dị thì hôn thú sau này của “người bảo lãnh” và “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng” không có giá trị luật pháp.

Khai sanh của “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng” được dùng để chứng minh thân thế của “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng”.

“Người bảo lãnh” có thể nộp thẻ xanh, bằng quốc tịch Hoa Kỳ, hộ chiếu Hoa Kỳ, hoặc khai sanh (nếu họ được sanh ra tại Hoa Kỳ) để chứng minh họ là thường trú nhân hoặc công dân Hoa Kỳ.

Trong các hồ sơ bảo lãnh thân nhân, chỉ có diện bảo lãnh Vợ Chồng là phải kèm theo hai tấm hình 2x2 của “người bảo lãnh,” hai tấm hình 2x2 của “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng”.

Và kèm 2 mẫu đơn G-325A của “người bảo lãnh” và đơn G-325A của “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng”.

Quí vị nên lưu ý rằng khi Sở Di Trú chấp thuận đơn I-130 có nghĩa là dựa theo luật di trú “người bảo lãnh” hội đủ điều kiện để bảo lãnh cho “người thừa hưởng.” Sự chấp thuận đó không có nghĩa là Sở Di Trú quyết định rằng sự liên hệ gia đình là chân thật. Sự quyết định liên hệ gia đình là chân thật hay không là do nhân viên văn phòng lãnh sự Hoa Kỳ sẽ quyết định trong cuộc phỏng vấn. Ngoài ra nhân viên văn phòng lãnh sự Hoa Kỳ còn quyết định rằng “người được bảo lãnh hay người thừa hưởng” có lọt vào một trong những điều luật cấm nhập cảnh Hoa Kỳ hay không.

Lệ phí hiện tại cho một hồ sơ bảo lãnh I-130 là $420.

Lưu ý:

- Nếu quý vị bão lãnh cho cha mẹ thì phải điền 2 mẫu đơn I-130.

- Nếu quý vị bảo lãnh con còn độc thân thì phải điền mẫu đơn I-130 riêng cho từng người con.

- Nếu diện vợ chồng bảo lãnh kèm theo con, thì cũng phải điền riêng mẫu đơn I-130 cho từng cá nhân.



Source: http://www.uscis.gov/portal/site/uscis